Đối với con người việc bị nghẹn là bình thường. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết, có rất nhiều chú chó vì bị nghẹn mà chết đấy.
Chó bị nghẹn, bị tổn thương nghiêm trọng thậm chí là chết do bị tắc đường thở là trường hợp rất hay xảy ra do tính háu ăn và thích ăn vật lạ của chúng. Hãy trang bị những kiến thức dưới đây để phòng trường hợp không may xảy ra nhé!
Khi bạn thấy chó cưng của mình gặp các biểu hiện sau đây, rất có thể nó đang bị 1 vật gì đó chắn ngang cổ họng không thể thở được:
Ho khi đang ăn.
Gãi cổ họng/mặt liên tục khi đang ăn.
Hoảng loạn khi đang ăn.
Nếu thấy chó có dấu hiệu bị mắc nghẹn hoặc có dị vật trong miệng thì bạn nên mở to miệng của chó ra, dùng đèn soi và cố gắng nhìn thật sâu vào bên trong để xem có gì mắc trong cổ họng chó không.
Trường hợp 1: bạn nhìn thấy vật lạ trong miệng chó mà bạn ước chừng có thể dùng tay của bạn hoặc dùng nhíp lấy ra được, bạn hãy thực hiện ngay. Chú ý là bạn phải phân biệt giữa vật lạ và những bộ phận của cơ thể con chó, kẻo làm tổn thương chúng.
Trường hợp 2: Nếu bạn không thể lấy trực tiếp vật lạ ra khỏi miệng chó thì hãy sử dụng phương pháp vỗ bả vai.
Cách thực hiện:
Để làm hiệu quả động tác cấp cứu này, bạn để chó đứng yên trên 4 chân, rồi từ từ nhấc 2 chân sau của con chó lên cao hơn bình thường, mục đích là chuyển trọng lực về phía miệng con chó.
Sau đó, lấy 1 tay vòng ra trước ngực con chó để cố định tư thế, tay còn lại, bạn vỗ mạnh vào lưng, mà chính xác dùng lòng bàn tay vỗ vào phần giữa 2 xương bả vai của con chó.
Vỗ 5 cái liên tục trong khoảng 5 giây đồng hồ, tức là mỗi tích tắc bạn lại vỗ 1 cái. Việc sử dụng lực của lòng bàn tay dĩ nhiên phải phù hợp với sức chịu đựng của từng con chó. Có thể làm nhiều đợt như thế.
Nếu tiếp tục không hiệu quả, bạn sử dụng phương pháp Heimlich, cách làm như sau:
Đứng đằng sau con chó của bạn rồi cúi xuống và vòng 2 tay quanh ôm lấy phần cơ hoành của con chó (cơ hoành nằm giữa lồng ngực và bụng).
Sau đó, trong mỗi tích tắc đồng hồ, bạn dùng lực của 2 tay ấn 1 lực mạnh và bất ngờ vào phần cơ hoành của con chó, ấn vào rồi thả lỏng chỉ trong 1 tích tắc.
Cứ thực hiện như thế 5 lần, nếu không có kết quả thì làm tiếp 1 đợt nữa.
Trường hợp bạn đã cố gắng mà vẫn không lấy được vật lạ ra thì nên đưa chó đến cơ sở thú y ngay để bác sĩ cấp cứu kịp thời. Nếu bạn lấy được vật lạ ra vẫn phải đưa chó đi kiểm tra để tránh những tổn thương trong lúc chó bị mắc vật lạ gây ra biến chứng sau này.
Trang được tổng hợp bởi: Chăm Sóc Thú Cưng